(Cẩm nang làm cha mẹ) Làm mẹ đã khó, làm bố còn khó hơn, đặc biệt là khi các bạn có một bé trai bởi bố chính là tấm gương để các bé học hỏi và noi theo. Mọi hành động, thái độ ứng xử và lời nói của bố luôn được bé nhìn vào trong mắt, khắc sâu vào trong bộ não. Nên trong giai đoạn phát triển nhân cách, không phải mẹ mà bố mới là người có ảnh hưởng lớn nhất.


Mọi em bé đều thần tượng bố mình, nhớ tất cả những gì bố làm, những câu bố nói. Bố luôn là tấm gương cho con noi theo, cả điều tốt và điều xấu.



“Mai sau lớn con sẽ lái xe giống bố chở mẹ và em đi chơi”; “Bố đánh con vào mông”; “Bố con tốt bụng. Bố con đi lặn nhưng không bắt Nemo đâu”; “Bố đánh mẹ con chạy từ tầng một lên tầng năm. Mẹ về nhà bà ngoại rồi ạ”; “Bố con rất khỏe. Mỗi bố mới bế được con thôi. Mẹ con yếu hơn mẹ không bế được con. Con nặng lắm rồi mà”; “Con ăn ba bát cơm để cao như bố con. Bố con cao nhất”...

Con trai thần tượng bố vì đó là hình ảnh các bé muốn trở thành trong tương lai. Bé học cách cư xử với phái yếu từ cách bố cư xử với bà và mẹ. Con gái thần tượng bố và sẽ tìm kiếm người bạn đời giống bố mình. Thế nên tất cả người lớn cần giúp bé duy trì hình ảnh bố cho dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, đó là vì lợi ích của trẻ, vì hạnh phúc của những thế hệ tiếp theo.

Làm bố khó hơn làm mẹ. Em bé nằm trong bụng mẹ. Sợi dây liên kết tình cảm đã được thiết lập ngay từ đầu. Một ông bố không có cái may mắn đó. Phần lớn các ông bố chỉ có cảm xúc thực sự về con khi con ra đời, nghe tiếng con khóc và ôm cái hình hài bé bỏng đó trong vòng tay mình.

Vì thế mẹ hãy giúp bố, chia thời gian và những việc bố có thể làm để chăm sóc con ngay từ khi bé mới ra đời, giúp hai bố con có thời gian bên nhau. Bố tắm cho bé, bố thay bỉm cho bé, bố massage cho bé, bố đọc truyện cho bé...

Rất nhiều mẹ hay nói “Con em bướng lắm, chỉ sợ bố thôi chị ạ”. Đừng bao giờ lôi bố ra để dọa con kiểu “Chốc nữa bố về mẹ sẽ mách”. Hình ảnh của bố không nên gắn với cảm giác sợ sệt. Mẹ cũng không nên bắt bé sợ mà phải nghe lời. Chỉ khi bé hiểu vấn đề bé mới luôn làm theo, còn vì sợ ai đó mà không làm thì khi không có người đó hiện diện bé vẫn sẽ làm.

Khi bố đã quyết định cái gì, cho dù không như ý của mẹ, hãy tôn trọng bố và không tranh cãi trước mặt con. Đừng cãi nhau trước mặt con. Bố mẹ đang làm gương cho cuộc sống gia đình trong tương lai của con. Cách bố mẹ xử lý xung đột sẽ là cách con xử lý xung đột và thường là các ông bố khó có thể kiên nhẫn và mềm mỏng như mẹ. Đừng đặt bố của con mình vào những hoàn cảnh có thể sẽ thể hiện những mặt không tốt trước mặt con. Mẹ giỏi nhịn hơn tốt nhất là áp dụng chữ nhẫn. Mọi chuyện để sau khi con đi ngủ hãy nói. Đấy không phải là nhịn nhục hay lép vế. Đó là cư xử thông minh.

Đừng nói xấu bố với con mình hay với bất cứ ai. Danh dự của bố cần được bảo vệ để bé luôn có thể tự hào về bố của mình. Đó là quyền và nhu cầu của bé. Kể cả khi bố mẹ chia tay hãy giúp con vẫn có được bố cho mình. Vì xét cho cùng có cả bố và mẹ yêu thương sẽ luôn tốt hơn là chỉ có một mình mẹ. Mọi ông bố đều yêu con, chỉ là cách thể hiện khác nhau giữa bố và mẹ.

Không chỉ mẹ mà tất cả mọi người lớn đều cần tôn trọng bố của đứa trẻ. Không chê bai, dè bỉu, nhận xét, phán xét bố của bé để bé biết. Như thế chỉ làm tổn thương tâm hồn và tiềm thức đứa trẻ.

Khi đã có mọi sự trợ giúp của mẹ và mọi người xung quanh, các ông bố hãy nhớ, đi kèm với những điều tuyệt vời của việc trở thành bố, có tình yêu vô điều kiện của con, cách bé luôn ngước nhìn bố ngưỡng mộ là trách nhiệm phải sống cho xứng đáng với chính con mình. Trước khi làm bất cứ điều gì các ông bố hãy luôn tự hỏi mình: Bản thân mình có thích được như thế không rồi hãy làm:

  • Bạn có thích bị đánh không? Không. Thế thì đừng đánh con.
  • Bạn có thích cái cảm giác khi còn nhỏ chứng kiến bố quát mắng mẹ không? Thế thì đừng quát mắng mẹ của bé.
  • Bạn có ao ước giá mà bố luôn dành thời gian chăm sóc mình, chơi với mình không? Thế thì hãy biến điều ước đó thành hiện thực ngay lập tức cho chính con của mình.
  • Bạn có muốn mai sau con luôn bàn bạc trao đổi hỏi ý kiến bố mẹ trước khi quyết định việc gì không? Thế thì hãy hình thành nếp văn hóa gia đình đó ngay từ khi lập gia đình.
  • Bạn có muốn sau này cô con gái r*** của bạn dẫn về một anh chàng giống hệt như mình bây giờ không? Nếu không thì chính bạn phải thay đổi vì hạnh phúc trong tương lai của con.

Làm bố là một chặng đường vất vả mò mẫm tự học không có sách giáo khoa. Đương nhiên, không một ông bố nào muốn là ông bố tồi cả. Thế nên các bà mẹ đừng bao giờ quên bảo vệ và giúp đỡ bố của bé để giúp chính mình và con của mình, kể cả khi hôn nhân của bạn không thành công.

Chúc các ông bố luôn xứng đáng là thần tượng của con mình và tiếp tục đón xem những kinh nghiệm tiếp theo trong cẩm nang làm cha mẹ tốt nhé ^^

Lê Mai Hương
Nguồn: VnExpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top